Những câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục thừa kế

Trong lĩnh vực pháp lý nhà đất, thủ tục khai nhận/phân chia di sản thừa kế bao giờ cũng phức tạp hơn so với các thủ tục như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, ủy quyền. Cũng vì vậy, khi tư vấn thủ tục khai nhận/phân chia di sản thừa kế, chúng tôi thường nhận được rất nhiều thắc mắc liên quan. Dưới đây là tổng hợp những câu hỏi thường gặp nhất, hy vọng sẽ hữu ích với quý bạn đọc.

1. Vợ đã mất, sổ đỏ chỉ mang tên chồng nhưng chưa bán được ngay?

Ví dụ 1: Sổ đỏ chỉ mang tên một mình ông A, vợ ông là Bà B đã mất từ lâu, khi ông A định bán đất và đến văn phòng công chứng để hỏi thủ tục chuyển nhượng thì Văn phòng công chứng yêu cầu ông A phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế với phần tài sản của bà B trước, sau đó mới được chuyển nhượng.

Lý do ở đây là sổ đỏ của ông A được cấp trong thời kỳ hôn nhân giữa ông A và vợ là bà B, nhưng chỉ đăng ký tên của một mình ông A. Theo quy định, tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, khi bà B chết, ông A phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với phần của bà B trước. Sau đó mới có thể thực hiện các giao dịch khác như là chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho…

2. Tại sao phải xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản?

Ví dụ 2: Ông A có vợ là Bà B, năm 1990 bà B mất, ông A một mình nuôi con không kết hôn với ai. Đến năm 2009, ông có tiền mua đất và được cấp sổ đỏ năm 2009. Sổ đỏ đứng tên một mình ông A nhưng không ghi rõ là tài sản riêng. Năm 2015, ông A mất không để lại di chúc.

Khi tiến hành khai nhận di sản do ông A để lại đối với thửa đất này, văn phòng công chứng sẽ yêu cầu xác phải có xác nhận của UBND cấp xã với nội dung là: Ông A có vợ là bà B đã chết năm 1990, từ khi bà B chết đến nay, ông A không đăng ký kết hôn với ai.

Đó chính là xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản đã chết. Việc này có 2 ý nghĩa: (1) xác nhận thửa đất đó là tài sản riêng của ông A, (2) xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông A.

3. Tại sao lại phải xác nhận bố mẹ của người để lại di sản đã chết?

Có vẻ câu hỏi này rất dễ trả lời, tuy nhiên thực tế lại có rất nhiều người thắc mắc.

Ví dụ 3: Ông A chết năm 80 tuổi không để lại di chúc, tài sản của ông A được chia thừa kế theo pháp luật. Vợ, con ông A mặc nhiên hiểu rằng bố mẹ của ông A đã mất từ rất lâu, không cần chứng minh. Tuy nhiên văn phòng công chứng và các cơ quan làm thủ tục vẫn yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh bố, mẹ ông A đã mất.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 về người thừa kế theo pháp luật: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Như vậy, cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di sản, nếu còn sống sẽ chắc chắn được hưởng thừa kế theo pháp luật từ di sản của con họ. Vì vậy, đương nhiên là khi khai nhận thừa kế phải xác định là bố, mẹ của người để lại di sản đã mất hay còn sống.

Cần lưu ý rằng, ngoài việc cung cấp giấy tờ chứng minh bố, mẹ của người để lại di sản đã mất, còn phải cung cấp giấy tờ chứng minh thời điểm mất của những người đó, bởi vì những quy định sau đây:

Điều 611 BLDS 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.”

Và Điều 613 BLDS 2015 có quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Vì vậy thời điểm chết của người để lại di sản nêu trên chính là thời điểm mở thừa kế và là căn cứ để xác định những người thừa kế hợp pháp có những ai. Theo như ví dụ đã nêu, giả sử ông A chết năm 2006, thì thời điểm mở thừa kế chính là năm 2006. Vì vậy nếu như cả bố và mẹ ông A đều chết trước năm 2006 (chết trước ông A), thì họ sẽ không phải người thừa kế tại thời điểm mở thừa kế. Nhưng nếu như bố/mẹ ông A chết sau năm 2006 (chết sau ông A) thì họ sẽ là người thừa kế hợp pháp của ông A tại thời điểm mở thừa kế mà không phụ thuộc việc người nhà ông A làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế vào năm nào.

Tất cả những thông tin trên phải được cung cấp để không bỏ sót người thừa kế, từ đó tránh được các rủi ro và tranh chấp sau này.

4. Tại sao anh, chị, em (hàng thừa kế thứ hai) của người để lại di sản lại được thừa kế?

Như chúng ta đã biết, hàng thừa kế thứ 2 chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, có trường hợp anh/chị/em ruột của người để lại di sản là người thuộc hàng thừa kế thứ hai vẫn được thừa kế tài sản mặc dù hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn.

Ví dụ 4: Ông A chết năm 2006, tại thời điểm ông A chết (2006) thì bố, mẹ ông A vẫn còn sống nhưng tại thời điểm công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế (giả sử năm 2015), bố/mẹ ông A đã chết. Theo quy định, lúc này phần tài sản bố/mẹ ông A đáng ra được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố/mẹ ông A, khi đó các anh/chị/em ruột của ông A cũng sẽ được hưởng một phần trong khối di sản của ông A.

5. Tại sao có di chúc rồi vẫn phải xác nhận hàng thừa kế?

Ví dụ 5: Ông A có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai là ông B. Khi ông A chết, di chúc được xác định là hợp pháp và có hiệu lực. Tuy nhiên, khi khai nhận di sản, văn phòng công chứng vẫn phải yêu cầu xác nhận đầy đủ thông tin về cha, mẹ, vợ, các con khác của ông A mặc dù không có tên trong di chúc hợp pháp của ông A.

Lý do là pháp luật có quy định trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Theo đó, Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Như vậy, kể cả di chúc không cho những người nêu trong điều luật trên được hưởng thì họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, không phụ thuộc di chúc cho ai.

6. Tại sao có trường hợp con dâu lại được thừa kế tài sản của bố/mẹ chồng?

Ví dụ 6: Ông A chết năm 2010 không có di chúc, như vậy thời điểm mở thừa kế là năm 2010. Tại thời điểm ông A chết, con trai ông A là ông B vẫn còn sống, như vậy ông B đương nhiên được hưởng thừa kế từ ông A. Tuy nhiên đến năm 2016 gia đình ông A mới làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông A, lúc này ông B đã mất, như vậy phần tài sản đáng ra ông B được hưởng từ ông A sẽ do hàng thừa kế thứ nhất của ông B hưởng, trong đó có vợ của ông B, tức là con dâu ông A.

Trường hợp này cũng tương tự với các trường hợp con rể được hưởng thừa kế từ tài sản của bố/mẹ vợ mặc dù con rể không thuộc vào bất cứ hàng thừa kế nào theo quy định.

7. Tại sao có trường hợp cháu được hưởng mà con dâu/con rể không được hưởng tài sản?

Đó là trường hợp thừa kế thế vị quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015, như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

8. Con nuôi có được thừa kế tài sản của cha, mẹ nuôi?

Điều 653 Bộ luật Dân sự đã nêu rõ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, con nuôi được thừa kế tài sản của cha, mẹ nuôi, nhưng phải là con nuôi hợp pháp. Nghĩa là phải có giấy tờ, văn bản của cơ quan có thẩm quyền công nhận, ghi nhận là con nuôi. Nếu nhận nuôi từ bé mà không có giấy tờ để chứng minh, chỉ là quan hệ thực tế chưa được pháp luật công nhận thì không được thừa kế.

9. Con riêng có được thừa kế tài sản của bố dượng, mẹ kế?

Con riêng được thừa kế tài sản khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 654 BLDS 2015 về Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về hàng thừa kế và thừa kế thế vị.”

10. Ly hôn rồi có được thừa kế tài sản của vợ/chồng cũ không?

Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác, được quy định tại Điều 655 BLDS 2015, như sau:

  • Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

Trên đây là những câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục thừa kế. Nếu có vấn đề thắc mắc về thủ tục thừa kế, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 0936 368 638 để được tư vấn. Xin cảm ơn!

 

 

Leave Comments

0936 368 638
0936368638