Hiệu lực của di chúc

1. Điều kiện có hiệu lực của di chúc

Xem xét hiệu lực của di chúc nghĩa là xét đến giá trị pháp lý của nó khi áp dụng trên thực tế. Nói cách khác, khi chúng ta đặt câu hỏi di chúc này có được áp dụng hay không, chính là đang xét đến hiệu lực của nó.

Để một di chúc có hiệu lực, điều kiện đầu tiên nó phải là một di chúc hợp pháp. Nghĩa là di chúc đó phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định về: người lập di chúc, di sản, người được hưởng di sản, nội dung di chúc và hình thức lập di chúc. Nếu ngay từ đầu di chúc đã không đáp ứng về các điều kiện này thì nó có thể bị tuyên là vô hiệu, đồng nghĩa với việc di chúc đó không được áp dụng khi chia thừa kế.

2. Thời điểm di chúc có hiệu lực

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, một di chúc đã được lập hợp pháp không có nghĩa là nó có hiệu lực ngay. Di chúc chỉ có hiệu lực khi người người để lại tài sản chết, thời điểm đó gọi là thời điểm mở thừa kế (Khoản 1 Điều 634 Bộ luật dân sự 2015).

Như vậy, chỉ kể từ thời điểm mở thừa kế, di chúc mới có hiệu lực. Lúc này quan hệ thừa kế mới phát sinh và những người thừa kế mới có những quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

3. Hiệu lực của di chúc

3.1. Di chúc không có hiệu lực do không có người thừa kế

Mặc dù di chúc hợp pháp, người để lại di chúc cũng đã qua đời nhưng di chúc đó sẽ không thể áp dụng được nếu người thừa kế đã “không còn”. Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc sẽ không có hiệu lực khi:

  • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực. Lúc này, di chúc chỉ có hiệu lực một phần.

3.2. Di chúc không có hiệu lực do tài sản không còn

Khi di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế thì đương nhiên, di chúc đó cũng không thể áp dụng được. Còn nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực (Khoản 3 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015).

3.3. Di chúc chỉ có hiệu lực 1 phần

Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

3.4. Trường hợp có nhiều di chúc

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Từ đây, có thể phân tích để rút ra thêm một số lưu ý như sau:

  • Trong thực tế, nhiều người lầm tưởng rằng di chúc được công chứng có giá trị pháp lý cao hơn các hình thức khác. Tuy nhiên, khi xét đến hiệu lực áp dụng, di chúc sau cùng mới là di chúc có hiệu lực, không quan trọng là được lập theo hình thức nào, miễn là đáp ứng điều kiện của 1 di chúc hợp pháp.
  • Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc đã lập trước đó bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bằng cách lập một di chúc mới với bất cứ hình thức nào miễn là đáp ứng được các điều kiện pháp luật quy định.
  • Trường hợp có nhiều di chúc nhưng di chúc sau bổ sung cho di chúc trước thì cả hai di chúc điều có hiệu lực, nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Cần lưu ý rằng, nếu di chúc ban đầu đã được công chứng – chứng thực thì khi sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó chúng ta cũng nên thực hiện theo hình thức công chứng – chứng thực; việc này nhằm hạn chế tối đa các rủi ro về hiệu lực áp dụng của di chúc sau cùng.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề hiệu lực của di chúc, hy vọng nội dung này sẽ hữu ích cho quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề chưa rõ, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 0936 368 638 để được tư vấn. Xin cảm ơn!

 

 

Leave Comments

0936 368 638
0936368638