Hợp đồng có hiệu lực khác với hợp đồng đã hoàn thành như thế nào?

Thực tế có nhiều quan điểm hiểu sai rằng “hợp đồng đã hoàn thành” đồng nghĩa với hợp đồng có hiệu lực. Vì vậy, bài viết này sẽ nhằm mục đích phân biệt hợp đồng có hiệu lực với hợp đồng đã hoàn thành.

1. Hợp đồng có hiệu lực

Đặc trưng của hợp đồng là có hai bên trở lên và có sự thỏa thuận làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 BLDS quy định về khái niệm hợp đồng).

Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định về hiệu lực của hợp đồng như sau: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật quy định khác”.

Như vậy, để hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đó phải “được giao kết hợp pháp”. Hợp đồng cũng là một giao dịch dân sự nên hợp đồng có hiệu lực phải là giao dịch dân sự có hiệu lực.

Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực đã được quy định tại Điều 117 BLDS. Trong 4 điều kiện được quy định, có 3 điều kiện bắt buộc đối với tất cả các giao dịch là:

– Điều kiện về chủ thể: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”

– Điều kiện về ý chí: “Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện”.

– Điều kiện về nội dung: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Điều kiện thứ 4 của giao dịch là điều kiện về hình thức của giao dịch được quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS là: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Như vậy, điều kiện về hình thức chỉ là điều kiện bắt buộc khi luật có quy định. Luật có thể là luật khác chứ không chỉ là trong BLDS. Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà ở phải được công chứng được quy định ở khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014.

Tóm lại, hợp đồng có hiệu lực phải là hợp đồng có đủ các điều kiện quy định tại Điều 117 BLDS, kể cả quy định về hình thức của hợp đồng theo các luật có liên quan.

Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì xác định dựa vào một trong ba thời điểm: “(1) thời điểm giao kết, (2) thời điểm các bên thỏa thuận hoặc (3) thời điểm pháp luật có quy định”.

2. Hợp đồng đã hoàn thành

Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp sử dụng thuật ngữ “hợp đồng đã hoàn thành” để chỉ hợp đồng có hiệu lực. Có trường hợp còn hiểu sai về thuật ngữ, cho rằng cứ hợp đồng đã làm xong thủ tục thì có hiệu lực, hợp đồng chưa thi hành thì không có hiệu lực.

Hợp đồng đã hoàn thành được quy định trong các văn bản pháp quy là tình trạng thi hành hợp đồng chứ không phải quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng (vô hiệu hay có hiệu lực). Đây là một trong những trường hợp để xác định chấm dứt hợp đồng (khoản 1 Điều 422 BLDS, khoản 1 Điều 424 BLDS năm 2005, khoản 1 Điều 418 BLDS năm 1995).

Như vậy, hợp đồng đã hoàn thành là hợp đồng đã được thi hành xong, các bên đã thực hiện xong các quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; không phải là căn cứ để xác định hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu.

Từ những phân tích trên có thể thấy, một hợp đồng đã hoàn thành có thể vẫn bị tuyên bố vô hiệu và ngược lại, một hợp đồng chưa thi hành vẫn có thể là hợp đồng có hiệu lực.

Leave Comments

0936 368 638
0936368638