Án lệ: đổi đất không viết giấy vẫn được công nhận

Án lệ số 40/2021/AL liên quan đến việc công nhận chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua và công bố.

Nguồn án lệ dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 37/2019 ngày 28-6-2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ tranh chấp tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Lê Văn C và hai người em với bị đơn là vợ chồng ông Lê Văn D.

Nguyên đơn trình bày rằng khi cha và mẹ ông (cụ U. và cụ K.) kết hôn thì cha ông đã có ba con với người vợ đã khuất. Sau đó, cha mẹ ông sinh ra ông và hai người nữa.

Năm 1997, cha của ông chết; năm 2006, mẹ của ông cũng qua đời. Hai cụ không để lại di chúc. Anh em trong nhà có bàn bạc chia thừa kế di sản nhưng không thống nhất.

Sau đó, ba anh em ông C. kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình ông D. (một người con với vợ trước của cha ông), để lại 116 m2 đất làm nhà thờ hai cụ, phần còn lại chia thừa kế cho các ông bà.

Bị đơn là vợ chồng D. thì cho rằng thửa đất các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế không phải là đất của cha mẹ để lại. Đất này họ đã dùng 2.112 m2 đất mà xã cấp năm 1982 cho họ để đổi cho cha mẹ (cụ U. và cụ K.). Đất đã đổi thửa, không còn là đất của hai cụ và hiện nay vợ chồng ông đã được cấp giấy chứng nhận

Xử sơ thẩm, TAND thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa tuyên hủy một phần quyết định của UBND thị xã Bỉm Sơn về phần giao ruộng đất ổn định, lâu dài và cấp giấy chứng nhận cho hộ ông D, buộc UBND thị xã thu hồi giấy chứng nhận để làm thủ tục cấp lại.

Ông D. kháng cáo nhưng TAND tỉnh Thanh Hóa bác kháng cáo, y án sơ thẩm.

Ngày 14-2-2019, chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị, đề nghị hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm.

Tại quyết định giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định:

Vợ chồng ông D. được UBND xã cấp một thửa đất. Vợ chồng ông đem phần đất này đổi với đất của cha mẹ. Phần đất đổi được này, vợ chồng ông đã được cấp giấy chứng nhận. Do đó, đất đang tranh chấp không phải là di sản nữa, mà là tài sản riêng của vợ chồng ông D.

Việc tòa phúc thẩm xác định thửa đất đứng tên hộ cụ U. là tài sản riêng của vợ chồng ông C., còn thửa đất đứng tên hộ ông D. mới là di sản của cụ U. và cụ K. nên đã không chấp nhận kháng cáo của ông D. và giữ nguyên các quyết định của tòa sơ thẩm là sai lầm nghiêm trọng, gây thiệt hại cho vợ chồng ông D.

Về tố tụng, tòa án hai cấp đưa thiếu người liên quan vào tham gia tố tụng.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy cả hai bản án, giao hồ sơ cho TAND thị xã Bỉm Sơn giải quyết lại.

Nội dung án lệ:

Việc giao đất cho các hộ nông dân của xã là thực hiện theo chính sách của Nhà nước và được lập hồ sơ công khai. Khi UBND xã và UBND thị xã Bỉm Sơn thực hiện chính sách giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 716 hộ nông dân của xã, trong đó có hộ cụ U. và hộ ông D., cụ U. và cụ K. đều còn sống nhưng không có đơn, không kê khai đối với thửa đất đang tranh chấp.

Hai cụ chỉ kê khai đối với thửa đất số 325 (theo vợ chồng ông D. khai là thửa đất đổi cho hai cụ) và hai cụ đã được cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất này, hộ ông D. được cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất số 986a (là thửa 986 đang tranh chấp).

Mặt khác, sau khi hộ ông D. được cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất đang tranh chấp không có ai khiếu nại; chỉ đến năm 2008, khi cụ U., cụ K. đã qua đời thì mới xảy ra tranh chấp giữa các con của hai cụ. Do đó có căn cứ xác định cụ U. và cụ K. đã đổi đất cho vợ chồng ông D.

Việc chuyển đổi đất không bằng văn bản được công nhận nếu người nhận chuyển nhượng đã sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, đã đăng ký, kê khai và được cấp giấy.

 

Leave Comments

0936 368 638
0936368638